Tuyển sinh

Có nên chấm lại bài thi THPT QG 2018 trên toàn quốc?

Cập nhật ngày : 20/07/2018 - 782

Những ngày qua, vấn đề tiêu cực trong kỳ thi THPT QG 2018 đang được dư luận rất quan tâm. Nhân dân cũng đang theo dõi xem Bộ GD&ĐT sẽ xử lý việc này như thế nào ?

Theo quan điểm của tôi, Bộ GD&ĐT và các Bộ ngành liên quan phải xử lý nghiêm túc, quyết liệt và đến cùng sự việc lần này. Mà một trong những biện pháp quan trọng là tổ chức rà soát, chấm lại toàn bộ bài thi THPT QG 2018 trên phạm vi toàn quốc !

Tại sao lại phải làm vậy ? Vì nó đem lại rất nhiều cái được !

Cái được đầu tiên là: Việc làm này giúp lấy lại niềm tin của nhân dân cả nước. Từ lâu dư luận đã “xì xào” về việc chạy điểm, những tiêu cực và gian lận trong thi cử… Nếu lần này Bộ GD&ĐT làm nghiêm sẽ thể hiện tinh thần cầu thị, biết lắng nghe và vì nhân dân.

Cái được thứ hai là: Trả lại tính công bằng – minh bạch của kỳ thi. Qua đó giúp tuyển chọn được những học sinh xứng đáng, và loại bỏ những em không đủ năng lực.

Cái được thứ ba là: Qua việc làm này cũng giúp kiểm tra được tính nghiêm túc của bộ máy giáo dục, đặc biệt là ở các Sở giáo dục địa phương. Từ đó giúp làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ thiếu năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí thiếu đạo đức, lạm dụng chức vụ để trục lợi. Nếu đủ cơ sở thì có thể khởi tố hình sự như ở Hà Giang…

Cái được thứ tư là: Tiết kiệm ! Thực ra, trong tất cả các phương án thì đây là cách làm gọn nhẹ và tiết kiệm nhất. Để chấm lại bài thi toàn quốc, nếu làm khẩn trương, nghiêm túc, thì chỉ mất khoảng 1 tuần đến tối đa 10 ngày là xong ! Trong khi phương án thi lại là cực kỳ tốn kém và rất khó để triển khai ngay.

Thầy Lê Phạm Thành  – Phụ trách môn Hóa học trên Hoc24h.vn

Ngược lại, nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ cách làm như hiện nay (đợi dư luận “đồn ầm lên” đến mức độ nhất định mới thành lập Tổ công tác xác minh … dấu hiệu bất thường) thì sẽ mất rất nhiều thứ !

Đầu tiên: Mất niềm tin từ nhân dân. Đây là mất mát cực lớn mà không gì lấy lại được ! Với cách làm như hiện nay, không cần biết Bộ có làm nghiêm thật sự hay không, nhân dân sẽ có cảm giác Bộ chỉ làm mang tính hình thức, đối phó, nơi nào “đã bị lộ” thì mới tiến hành … xác minh ! Và nhân dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: không rõ còn bao nhiêu nơi “chưa bị lộ” khi mà danh sách “nghi vấn” ngày một dài ???

Cái mất thứ hai là: kỳ thi THPT QG không còn đảm bảo được tính công bằng, nghiêm túc. Khi đó mục tiêu tuyển chọn những học sinh xứng đáng nhất, xuất sắc nhất rõ ràng khó có thể thực hiện khi vẫn để lọt những em thiếu năng lực, thậm chí nhờ gian lận mà đỗ.

Cái mất thứ ba là: Nhân dân có quyền nghi ngờ liệu Bộ GD&ĐT có cố tình dung túng cho việc làm sai của các Sở, các cá nhân không ? Liệu có phải trong ngành Giáo dục vẫn còn, thậm chí còn nhiều những con người yếu năng lực chuyên môn và thiếu đạo đức nghề nghiệp ?

Cái mất thứ tư là: Tốn kém mà thiếu hiệu quả ! Việc thành lập các Tổ công tác chuyên trách như hiện nay không những lắt nhắt, mà còn rất tốn kém cả về tiền bạc, công sức và thời gian, nhưng lại không giải quyết dứt điểm được tận gốc vấn đề, để lại nhiều nghi vấn trong nhân dân...

Vì tính công bằng – minh bạch của kỳ thi, tôi mong các đồng chí lãnh đạo trong Chính phủ, Bộ GD&ĐT, cùng các Bộ ngành liên quan hãy quyết tâm làm đến cùng việc này, qua đó lấy lại niềm tin của nhân dân, đồng thời làm trong sạch bộ máy giáo dục nước nhà.

Tôi tin, đó cũng là mong muốn của đông đảo nhân dân Việt Nam !

 

LÊ PHẠM THÀNH
Giáo viên giảng dạy môn Hóa tại: http://hoc24h.vn/
Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục THÀNH ĐẠT