Tuyển sinh
Góp ý thêm về Kỳ thi THPT Quốc gia
Tọa đàm “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” được tổ chức ngày 12.9 vừa qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà quản lý giáo dục. Từ thực tiễn địa phương, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) một số tỉnh góp thêm ý kiến nhằm hướng đến kỳ thi THPT công bằng, minh bạch, chất lượng.
Giám đốc Sở GD - ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng: Nghiên cứu mã hóa phách bài thi

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo ngành là không chạy theo thành tích. Vì vậy, năm 2018 và những năm trước, tỉnh đều rất nghiêm túc trong tổ chức tất cả kỳ thi, đặc biệt kỳ thi THPT để đánh giá thực chất việc dạy và học. Đặc biệt, lực lượng Công an PA83 tỉnh đã giúp ngành rất nhiều trong khâu chỉ đạo và triển khai các kỳ thi.
Theo tôi, giai đoạn 2018 - 2020 chúng ta vẫn nên ổn định Kỳ thi THPT Quốc gia như hiện nay. Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT nên nghiên cứu việc mã hóa phách các bài thi để cán bộ chấm thi không thể biết được đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
Cùng với đó, tôi cho rằng, không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương. Vì trên thực tế có rất nhiều tỉnh làm tốt khâu chấm thi. Quan trọng là việc giám sát thực hiện chặt chẽ quy định, quy chế; có thể lắp camera giám sát ở các điểm chấm thi, nhằm hạn chế bớt tiêu cực. Bên cạnh đó là sự giám sát chặt chẽ của thanh tra Bộ, thanh tra Sở, đặc biệt là sự tham gia của lực lượng công an có nghiệp vụ để phát hiện được hành vi gian dối của cán bộ chấm thi.
Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc: Tách môn thi trong bài thi tổ hợp
Đồng thời, các trường đại học cần thấy rằng, việc về địa phương, cùng địa phương tổ chức thi là trách nhiệm của mình. Tôi thấy rằng, 2 năm vừa rồi, việc bố trí cán bộ làm công tác thi ở địa phương không được một số trường đại học, cao đẳng quan tâm đúng mức. Nhiều trường không cử giảng viên mà cử nhân viên làm nhiệm vụ coi thi, như vậy không bảo đảm tính nghiêm túc.Theo tôi, nên tách mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp ra một phiếu trả lời trắc nghiệm. Như vậy, người coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn, và tránh việc thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể hỏi các bạn và về điều chỉnh. Trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, khi xử lý phiếu trắc nghiệm, cán bộ chấm thi sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó tăng tính bảo mật của bài thi.
Ngoài ra, Bộ GD - ĐT nên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài việc phân công các trường đại học làm nhiệm vụ thanh tra ở địa phương, nhất thiết trong đoàn thanh tra của địa phương, ít nhất phải có một cán bộ của Bộ GD - ĐT. Không phải chúng ta không tin thành viên của các trường đại học, nhưng dẫu sao, đoàn thanh tra kiểm tra có đủ các thành phần liên quan thì sẽ khách quan và tin cậy hơn.
Giám đốc Sở GD - ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh: Chấm thi nên đưa về các cụm tập trung
Trong công tác coi thi, các phiếu trả lời trắc nghiệm có thể không nhất thiết phải đưa tất cả bộ môn tổ hợp vào một phiếu. Từ thực tiễn chúng tôi thấy phần này gây phiền toái cho giám thị, giám sát và cũng là kẽ hở, bởi thí sinh sau thời gian thi hết môn có thể hỏi các bạn có trình độ khá hơn và khi vào môn thi thứ 2 các em lấy phiếu tổng hợp đó tiếp tục chỉnh sửa mà không giám sát được. Như vậy mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác.Tôi cho rằng Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có những ưu điểm nhất định. Để kỳ thi THPT năm 2019 được tốt hơn, tôi kiến nghị trước hết cần rà soát toàn bộ thông tư hướng dẫn về công tác thi để tìm ra điểm yếu trong các khâu để khắc phục.
Công tác chấm thi trắc nghiệm nên đưa về các cụm tập trung. Về tự luận, trước đây, một số năm chúng ta tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh thành phố. Nay để bảo đảm khách quan tuyệt đối, Bộ GD - ĐT nên trở lại việc tổ chức chấm chéo. Trong đó, chú ý tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi hợp lý.
Ngoài ra, kỳ thi năm 2019 nên ổn định thời gian thi từ 24 - 27.6 như năm 2018. Từ đó, các Sở GD - ĐT chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, tổng kết năm học, ôn tập, kế hoạch thi thử, đồng thời thực hiện song hành với công tác tuyển sinh lớp 1, 6, 10 đầu cấp ở địa phương. Đồng thời, Bộ GD - ĐT nên thay đổi điều kiện xét đặc cách với các thí sinh chẳng may bị tai nạn giao thông, hoặc đau ốm. Hiện nay, các em được miễn thi khi có điểm bài thi của tất cả các môn đã thi phải trên 5. Quy định này không còn phù hợp, nên thay đổi theo hướng: Có thể môn thi của thí sinh cộng với điểm học của các em chia 2; hoặc so sánh với điểm trung bình chung của thí sinh cả nước để ấn định điểm làm điều kiện để xét tuyển đặc cách.
tin liên quan
-
Ba phương thức tuyển sinh vào các trường CAND năm 2021
09/03/2021 -
Hướng dẫn ghi 21 mục trong phiếu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển năm 2020
03/06/2020
-
Ai được đăng ký xét tuyển theo phương thức tuyển sinh tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội?
11/05/2020 -
Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
07/05/2020