Tuyển sinh

Học sinh yên tâm chuẩn bị thi THPT quốc gia

Cập nhật ngày : 08/12/2018 - 543

TTO - Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - khẳng định như thế về đề thi tham khảo vừa được Bộ GD-ĐT công bố ngày 6-12.

 

Trao đổi với báo chí vào chiều 6-12, ông Trinh nói so với năm trước, Bộ GD-ĐT đã cố gắng công bố đề thi tham khảo sớm hơn. Đây là căn cứ quan trọng và đáng tin cậy để các nhà trường, thầy cô giáo xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 12. Đề thi minh họa và đáp án >>

Học sinh có thể hình dung về đề thi và yên tâm chuẩn bị kiến thức để đạt kết quả tốt nhất. Đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Trong đó sẽ đảm bảo ngưỡng cơ bản xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các trường ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.

"Tôi khẳng định những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ liên quan tới người lớn, không có thay đổi ảnh hưởng đến thí sinh. Vì thế các em học sinh yên tâm học tập, ôn thi, không phải lo lắng".

Ông Mai Văn Trinh

* Đề tham khảo vừa công bố khác với lộ trình xây dựng đề thi đã từng được công bố. Ông có thể thông tin rõ ràng hơn về phạm vi nội dung đề thi 2019?

- Không có kiến thức ở bậc nào mà không có sự kế thừa kiến thức từ các bậc học dưới. Nói một cách khác thì kiến thức các lớp dưới là nền tảng, công cụ để học sinh có thể hiểu kiến thức ở lớp trên. Vì thế định hướng đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, có nghĩa nội dung các câu hỏi thi cũng có sự kế thừa của các lớp trong bậc học này.

Các thầy, cô giáo bộ môn cần nghiên cứu kỹ, phân tích đề thi tham khảo để có gợi ý ôn tập cho học sinh. Tôi khẳng định đề tham khảo đã công bố có giá trị rất tốt trong dạy và học.

* Nhiều ý kiến cho rằng một đề thi rất khó cho kỳ thi "2 trong 1" nên mới xảy ra hiện tượng có năm đề thi quá dễ, có năm lại quá khó? Suy nghĩ của ông về ý kiến này thế nào?

- Băn khoăn này không phải bây giờ mới đặt ra mà có từ khi chưa tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích. Nhưng trên thực tế, đề thi các năm đều đảm bảo để sử dụng kết quả vào hai mục đích.

Riêng ở mục tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã giao tự chủ cho các trường ĐH xây dựng phương án xét tuyển và có thể sử dụng kết quả thi là một căn cứ để thực hiện việc này. Đa số các trường đã sử dụng kết quả thi để xét tuyển, điều đó cho thấy đề thi có thể đáp ứng được.

* Theo ông, đề thi năm nay vẫn có các câu hỏi mức độ cơ bản và các câu hỏi có tính phân hóa cao phục vụ tuyển sinh, vậy tỉ lệ câu hỏi cơ bản và phân hóa trong một đề thi như thế nào? Liệu có duy trì mức 60/40 như từng được thông tin ở các năm trước không?

- Chúng tôi không đặt ra tỉ lệ cứng như vậy. Nhưng bộ đề thi tham khảo các môn đã thể hiện quan điểm chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tôi cam kết sẽ có ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, nhưng sẽ không mất nhiều thời gian như các nước đã làm (ví dụ Hoa Kỳ), trong đó ngoài sự đóng góp của chuyên gia còn có đóng góp của các thầy cô giáo phổ thông.

* Với những điều chỉnh mới được Bộ GD-ĐT công bố thì có thể nói giải pháp về công nghệ, giải pháp kỹ thuật sẽ hỗ trợ tích cực hơn cho việc chống gian lận thi cử?

- Việc điều chỉnh được thực hiện từ chỗ sắp xếp thí sinh trong phòng thi, nhất là thí sinh tự do chúng tôi sẽ có quy định chặt chẽ hơn, có giám sát hiệu quả hơn trong khâu coi thi. Đặc biệt việc giám sát bảo quản đề thi, túi bài thi sẽ có camera theo dõi 24/24 giờ.

Quá trình chấm thi trắc nghiệm cũng sẽ được camera giám sát liên tục, bài thi trắc nghiệm được đánh phách điện tử. Bộ GD-ĐT cũng nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm để hạn chế việc lợi dụng sơ hở gian lận...

Ở bài thi tự luận (ngữ văn) từ năm 2014 đã có những điều chỉnh đề thi theo hướng mở nhằm hạn chế tiêu cực. Việc chấm thi thực hiện theo hai vòng độc lập. Năm 2019 sẽ tăng cường chấm kiểm tra ngay trong tiến trình chấm hai vòng độc lập để đảm bảo giám thị chấm thi chính xác.

* Khi áp dụng những điều chỉnh mới này, bộ có thể chắc chắn sẽ không còn gian lận xảy ra?

- Những tính toán, điều chỉnh trên nhằm hạn chế ở mức thấp nhất tiêu cực. Song cho dù công nghệ có tốt, quy trình chặt chẽ, nhưng con người thực hiện có động cơ xấu, thiếu trách nhiệm thì vẫn có thể xảy ra tiêu cực.

Bởi thế, tôi cho rằng kỳ thi năm tới cần có quy định rõ trách nhiệm của các hội đồng thi, của ban chỉ đạo thi ở các địa phương và Ban chỉ đạo thi quốc gia trong việc tổ chức kỳ thi này.

H.HG. - P.NG