Tuyển sinh

Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2020

Cập nhật ngày : 26/04/2020 - 2331

Năm nay Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT nên nhiều trường Đại học đã phối hợp tổ chức các kỳ thi riêng, trong đó kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM cho tới ngày 7/4/2020 đã có 56 trường sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Hai đợt thi và các địa điểm thi

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia TP. HCM (ĐHQG - HCM) cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 sẽ một số nét mới so với kỳ thi năm trước. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2020 sẽ được tổ chức 2 đợt ở nhiều địa phương: 

Đợt 1 (Đăng ký từ 6/1 đến 24/4/2020) tổ chức vào ngày Chủ nhật 31/5/2020 tại:

- TP.HCM

- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Bến Tre và An Giang

- Khu vực miền Trung: Nha Trang

Đợt 2: (Đăng ký từ ngày 1/6 đến 10/7/2020 tổ chức vào ngày Chủ nhật 9/8/2020 tại:

- TP.HCM

- Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ

- Khu vực miền Trung: Nha Trang

Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực, tùy theo ngành, dao động trong khoảng từ 30-45% tổng chỉ tiêu.
(Do phòng chống dịch Covid - 19 nên lịch thi và lịch đăng ký đã thay đổi so với dự kiến trước đây).

Lịch sử của kỳ thi đánh giá năng lực

Tháng 3/2012, ĐHQG-HCM hoàn thành Dự thảo Cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐHQG-HCM, với nội dung chính là tách rõ hai bước: thi và xét tuyển. Đề thi sẽ được xây dựng theo hướng đánh giá định chuẩn (standardized test) nhằm kiểm tra đúng năng lực (kỹ năng viết, năng lực suy luận...) để việc học đại học của thí sinh không quá chú trọng kiến thức thuộc lòng, gồm 6 môn: Toán, tiếng Việt, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Anh văn và Năng khiếu.

Về các bước chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL, có thể nhắc đến các mốc chính yếu sau. Vào tháng 5/2014, Giám đốc ĐHQG-HCM khi đó là PGS.TS Phan Thanh Bình đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác chuyên môn của Đề án cải tiến tuyển sinh ĐH. Ban Chỉ đạo do chính Giám đốc ĐHQG-HCM làm Trưởng Ban, thành viên là các Phó Giám đốc, một số trưởng ban và 3 hiệu trưởng của trường thành viên. Tổ công tác gồm các chuyên gia về tuyển sinh ĐH từ các trường thành viên và một chuyên gia ngoài ĐHQG-HCM. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là đề xuất và tư vấn cho Ban Giám đốc về triết lý, mục tiêu, phương thức tuyển sinh tại ĐHQG-HCM và trên cả nước.

Từ năm 2016, ĐHQG-HCM đã triển khai các bước: xây dựng cấu trúc đề thi; tập huấn cho chuyên gia (là giảng viên của ĐHQG-HCM và giáo viên phổ thông có kinh nghiệm) về việc soạn câu hỏi trắc nghiệm khách quan; xây dựng ngân hàng câu hỏi nhằm đánh giá những năng lực cơ bản nhất để học tốt bậc đại học với kỹ thuật đặt câu hỏi phù hợp. Đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, ĐHQG-HCM tổ chức thi thí điểm tại nhiều địa phương ở khu vực phía Nam.   

Cũng trong năm 2017, ĐHQG-HCM chấp thuận cho Trường ĐH Quốc Tế triển khai thí điểm thi ĐGNL. Đến tháng 3/2018, ĐHQG-HCM hoàn tất Đề án tuyển sinh, gửi Bộ GD&ĐT. Một tháng sau, phương án tuyển sinh bằng kỳ thi ĐGNL được ĐHQG-HCM công bố trước xã hội và được các phương tiện tuyền thông đại chúng đánh giá cao.

Ngày 7/7/2018, ĐHQG-HCM chính thức tổ chức kỳ thi ĐGNL với gần 5.000 thí sinh dự thi tại 3 điểm là TP.HCM, Quy Nhơn và Cần Thơ. Năm 2019, với 2 đợt thi ĐGNL vào ngày 31/3 và ngày 7/7, gần 50 ngàn thí sinh tham gia kỳ thi này tại 4 điểm thi TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ và Nha Trang. Các đồ thị phân phối điểm thi của thí sinh tương tự nhau giữa 3 đợt, và đều có dạng hình chuông chuẩn, chứng tỏ độ tin cậy rất cao của kỳ thi.

Tiêu chí xây dựng đề thi

Bài thi ĐGNL chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh, thông qua một bài thi tổng hợp gồm 120 câu hỏi, thời gian làm bài 150 phút. Về hình thức, đề thi sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn (MCQ - Multiple Choice Questions). Cách soạn câu hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc khoa học của MCQ thế giới. Về nội dung, đề thi tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản, đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cấu trúc nội dung đề thi 

Ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất trong học tập. Do vậy ngôn ngữ (gắn với văn học) là một nội dung thiết yếu cần phải kiểm tra. Ngôn ngữ giảng dạy, học tập ở bậc ĐH vẫn là tiếng Việt nên thí sinh có cần năng lực sử dụng tiếng Việt tốt. Ngoài ra cũng có phần tương đương là tiếng Anh để khuyến khích thí sinh học tốt ngoại ngữ này. Bởi tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý kinh doanh trên thế giới. Tóm lại, bài thi sẽ kiểm tra năng lực đọc hiểu, viết và kèm thêm một phần tư duy logic trong ngôn ngữ.

Phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu nhằm đánh giá kỹ năng tư duy chính xác, tỉ mỉ, có phương pháp suy luận cẩn trọng, nói chung là tư duy định lượng (quantitative literacy), là kỹ năng ngày càng được sử dụng nhiều trong khoa học, kể cả khoa học không chính xác.

Theo thang nhận thức Bloom điều chỉnh/cải tiến, có 6 mức là: nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo. Thực ra, các câu hỏi đã đề cập 4 mức đầu tiên, trong đó chú trọng hơn tới mức 3 và 4, như trong tiêu đề của từng phần đề thi đã chứng tỏ.

Phần Giải quyết vấn đề nhằm đánh giá năng lực giải quyết các vấn đề toàn diện các môn lý, hóa, sinh, sử, địa, khi đã có dữ liệu nhất định.

Tựu trung, ngoại trừ phần công cụ ngôn ngữ, phần còn lại của đề thi rất chú trọng tới các phương pháp, không chú trọng phần ghi nhớ. Vì ai cũng hiểu, phương pháp giữ vai trò quan trọng nhất cho sự nghiệp sau này của sinh viên.

Phân bố điểm và chấm điểm

Đề thi ĐGNL không sử dụng Lý thuyết trắc nghiệm cổ điển (Clasical Test Theory - CTT) để chấm bài và đánh giá như người ta thường dùng, mà sử dụng Lý thuyết ứng đáp câu hỏi (Item Response Theory - IRT), tiếp cận ở cấp độ từng câu hỏi - là một lý thuyết của khoa học về đo lường trong giáo dục, ra đời từ nửa sau của thế kỷ XX.

Lý thuyết đáp ứng câu hỏi có tính đến số lượng câu hỏi được trả lời đúng và độ khó của câu hỏi. Tức là thay vì áp đặt sẵn mức điểm cho các câu hỏi, cách tính điểm theo lý thuyết này sẽ dựa vào đặc trưng số của câu hỏi gồm độ phổ biến, độ khó và một tham số đặc thù để tính điểm cho câu hỏi đó. Do vậy, đề thi ĐGNL gồm 120 câu với thang điểm là 1.200 không có nghĩa là mỗi câu đều 10 điểm ngang nhau. Cả SAT và GRE đều sử dụng Lý thuyết đáp ứng câu hỏi cho các bài kiểm tra của họ.

Đề thi mẫu cho năm 2020

Các bạn có thể tải về để xem chi tiết ngay dưới bài viết này.

Những trường nào dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi?

Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG - HCM tổ chức năm 2019 được sử dụng để xét tuyển cho 27 trường ĐH và CĐ ngoài hệ thống. Trong năm tới, dự kiến sẽ có thêm nhiều trường đăng ký tham gia xét tuyển từ kết quả này.
Tính đến ngày 7/4/2020 đã có 10 trường thuộc ĐHQG - HCM và 46 trường khác đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Các bạn tải danh sách các trường này để xem chi tiết.
 

Liên hệ để biết các thông tin như thế nào?

+ Hotline: 0789.862.274 - 0343.889.759 - 0843.246.571 (từ 7g đến 22g); 

+ Fanpage ĐHQG-HCM: https://www.facebook.com/vnuhcm.info/ ;

+ Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM, Phòng 403, Nhà điều hành ĐHQG-HCM, Khu phố 6, phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP.HCM.

Hoc24h.vn: Được biết Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2020 cũng sẽ trở lại tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và đề mẫu được công bố vào ngày 10/5/2020. Chắc chắn sẽ có nhiều trường sẽ lấy kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.