Tuyển sinh
Trình hai phương án thi THPT quốc gia
Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia, trong đó có tính đến việc giảm môn thi hoặc không tổ chức kỳ thi này.
Ngày 15/4, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, cho biết hôm qua Bộ đã trình Chính phủ phương án thi THPT quốc gia, ứng phó với Covid-19.
Theo tính toán của Bộ, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8 vì sau khi kết thúc năm học vào ngày 15/7, học sinh cuối cấp còn gần một tháng để ôn tập trước khi thi, bằng thời gian được ôn những năm trước.
Theo ông Độ, nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia, phương thức cơ bản như năm 2019 nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp. Hiện chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được tinh giản từ 19 tuần xuống có thể hoàn thành trong 10 tuần, trong đó học sinh đã học hai tuần trước Tết. Bộ cũng đã khẳng định nội dung tinh giản sẽ không có trong đề thi. Đề thi tham khảo vừa công bố cũng đã điều chỉnh. "Bộ sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với học sinh", ông Độ nói.
Bên cạnh đó, từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình của Bộ hôm 25/3, các trường đều dạy và học theo phương thức này. Nếu tính từ 15/4 - thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình (một số nơi triển khai sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường (muộn nhất là 15/6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, vì lý do bất khả kháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán đến kịch bản không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Ông Độ cho biết sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
Mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ dự thi ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 (trong tổng số 35-37 tuần) thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Hiện hầu hết tỉnh, thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học.
Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, thi THPT quốc gia ngày 8-11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử học sinh cả nước nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải cắt giảm chương trình học, công nhận kết quả học trực tuyến, công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia.
Đến ngày 15/4, Covid-19 xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 2 triệu người nhiễm, 127.000 người chết. Tại Việt Nam, 266 người mắc Covid-19, chưa ai tử vong.
Lần đầu tiên kể từ năm 1808, Pháp đã hủy kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến diễn ra vào tháng 6. Học sinh sẽ nhận điểm trung bình học tập cả năm ở từng môn dựa trên điểm số bài kiểm tra và bài tập về nhà. Số điểm này sẽ được dùng để xét tuyển đại học.
Indonesia cũng hủy kỳ thi quốc gia dành cho học sinh tiểu học, THCS, THPT và đang xem xét biện pháp thay thế như: sử dụng kết quả đánh giá dựa trên điểm học tập 3 năm học đối với học sinh THCS và THPT, 6 năm học đối với học sinh tiểu học hoặc tổ chức thi trực tuyến.
Kỳ thi đại học ở Trung Quốc lùi một tháng, Hàn Quốc lùi hai tuần.
Vnexpress
tin liên quan
-
Ba phương thức tuyển sinh vào các trường CAND năm 2021
09/03/2021
-
Hướng dẫn ghi 21 mục trong phiếu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển năm 2020
03/06/2020
-
Ai được đăng ký xét tuyển theo phương thức tuyển sinh tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội?
11/05/2020
-
Bộ GDĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
07/05/2020