Kinh nghiệm học

Bí quyết tăng hiệu quả học tập mà học sinh, sinh viên nên biết

Cập nhật ngày : 29/01/2018 - 2226

Sau những giờ học chính khóa trên lớp, tự học ở nhà hay làm con "mọt sách" trên thư viện mà hiệu suất học tập của bạn không cải thiện, chẳng học thêm được điều gì. Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng trên và có một kết quả học tập xứng đáng.

Mỗi ngày trôi qua, bạn nhận thấy bài tập về nhà còn ngổn ngang, bài thuyết trình chưa được chuẩn bị, cuốn sách giảng viên giao về đọc bạn vẫn chưa đụng đến, bạn không biết làm cách nào để có thể đạt được hiệu suất học tập cao nhất, dù đã cố học. Đừng vội từ bỏ, thực hiện những bước dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua trạng thái tồi tệ đó.

1. Mỗi buổi sáng thức dậy hãy dọn gọn giường của bạn

Cựu Đô đốc William H. McRaven (người lập kế hoạch và điều phối chiến dịch lùng sục, tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden) đã viết cuốn sách ‘Make Your Bed: Little Things That Can Change Your Life… And Maybe The World’ (Dọn giường: Những điều nhỏ nhặt có thể thay đổi cuộc đời bạn… và có thể là thay đổi cả thế giới) và đây cũng là tựa sách best-seller theo New York Times. 

Theo McRaven, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy của Mỹ, dọn giường ngăn nắp mỗi buổi sáng là chìa khóa đầu tiên cho một ngày hiệu quả. Nếu bạn dọn giường mỗi buổi sáng, tức là bạn đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên trong ngày. Nó sẽ mang lại cho bạn một niềm tự hào nhỏ và sẽ khuyến khích bạn làm tốt nhiệm vụ tiếp theo và các nhiệm vụ khác kế tiếp sau. Nếu chẳng may, bạn có một ngày không như ý, bạn sẽ trở về nhà và thấy một chiếc giường đã gọn gàng… Nó sẽ động viên bạn rằng ngày mai sẽ tươi sáng hơn.

Bí quyết tăng hiệu quả học tập mà học sinh, sinh viên nên biết - Ảnh 1.
 

2. Tập trung làm một công việc trong một khoảng thời gian

Khi bạn tập trung làm một việc năng suất sẽ cao hơn so với làm nhiều việc cùng một lúc. Đang học bài mà bạn lại kết hợp với xem phim hay lướt web, khiến bạn mất tập trung kết quả học học tập bạn thu lại không cao. Hãy đảm bảo rằng trong lúc học tắt điện thoại, TV,… và tập trung vào việc học, những thiết bị này sẽ dùng sau khi bạn hoàn thành các bài tập.

3. Hình thành một đồng hồ báo thức theo chu kỳ ngủ

Khi ngủ, chúng ta trải qua nhiều chu kỳ giấc ngủ, mỗi chu kỳ khoảng 90 phút gồm 3 giai đoạn: ngủ chập chờn, ngủ sâu và ngủ mơ (khoa học gọi tên trạng thái này Rapid Eyes Movement – REM, tức là ‘mắt chuyển động nhanh’).

Nếu chuông đồng hồ báo thức bất chợt kêu khi bạn đang ở giai đoạn ngủ sâu, bạn sẽ thấy cơ thể rất mệt mỏi, không thể gượng dậy được, thậm chí tắt chuông ngủ tiếp và lỡ hết việc. Bạn có thể tải ứng dụng đồng hồ báo thức theo chu kỳ ngủ (Sleep Cycle). Đây là một ứng dụng có khả năng ghi lại thói quen ngủ của bạn sẽ là lựa chọn vô cùng hấp dẫn. Ngoài các báo động thông minh, ứng dụng sẽ ghi lại thói quen ngủ của bạn, giúp bạn có thể theo dõi chất lượng giấc ngủ theo thời gian. Đồng hồ sẽ chỉ báo thức khi bạn đang ở giai đoạn ngủ chập chờn, như vậy bạn sẽ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng cho một ngày mới.

4. Nghe nhạc khi học bài

Theo nghiên cứu của một nhà thần kinh học đã chỉ ra rằng việc nghe nhạc sẽ giúp hệ tập trung vô thức của chúng ta luôn bận rộn. Tuy nhiên, không phải loại nhạc nào cũng phù hợp để nghe cùng lúc với học bài. Làm sao bạn có thể học được khi bên tai là những âm thanh sôi động của nhạc dance khiến bạn muốn nhún nhảy theo. Nhạc Baroque, nhạc cổ điển là loại nhạc giúp tập trung học tập cao. Nhạc trong các video game có hiệu quả nhất, vì mục đích của nhạc trong game là giúp tạo một môi trường khiến bạn hòa nhập nhưng không bị phân tán khỏi nhiệm vụ của trò chơi, đòi hỏi tập chung và chú ý cao độ. Một lưu ý khi nghe nhạc trong lúc học bài không nên mở âm lượng quá lớn.

Bí quyết tăng hiệu quả học tập mà học sinh, sinh viên nên biết - Ảnh 2.
 

5. Lập kế hoạch cho ngày của bạn bằng phương pháp quản trị thời gian "pomodoro"

Nếu bạn tập trung toàn bộ thời gian để giải quyết một công việc lớn sẽ mất khá nhiều thời gian mà hiệu quả đem lại không quá cao. Thay vì đó cùng một khối lượng bài học lớn, bạn chia nhỏ thành từng phần và làm theo phương pháp pomodoro làm việc 25 phút, nghỉ 5 phút, bạn sẽ thấy việc học của mình tiến triển trông thấy theo từng giờ. Với phương pháp này làm việc với một đồng hồ đếm ngược giúp bạn ý thức về thời gian và làm việc nhanh hơn. Ngoài ra, nó giúp đầu óc bạn được thư giãn và làm mới liên tục giúp tập trung cao hơn.

6. Sử dụng các thực phẩm tăng cường trí não

Chế độ dinh dưỡng giàu bơ, ngũ cốc nguyên hạt sẽ giảm lượng cholesterol xấu, tăng cường máu lưu thông lên não và cải thiện chức năng não bộ. Chuối cũng giàu calo và là nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời. Các loại rau lá xanh thẫm như rau chân vịt rất giàu chất sắt, giúp vận chuyển oxi lên não và cải thiện khả năng kiểm soát nhận thức. Tỏi chứa thành phần kháng khuẩn, kháng virus mạnh giúp ngừa cảm cúm, giảm căng thẳng mệt mỏi. Ngoài các thực phẩm kể trên, thì theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể tăng 20% hiệu suất của bạn. Các loại quả mọng giàu chất chống oxi hóa như họ nhà dâu rất tốt cho việc cải thiện trí nhớ.

Bí quyết tăng hiệu quả học tập mà học sinh, sinh viên nên biết - Ảnh 3.
 

7. Luyện tập, rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, thoải mái nhất

Tập luyện thường xuyên giúp cải thiện tập trung, học nhanh hơn và tăng cường tính sáng tạo. Thay vì nằm nghỉ giải lao, bạn hãy đi dạo một vòng để thư giãn. Đi bộ cũng giúp nảy ra những ý tưởng mới và tập trung tốt hơn. Chạy bộ buổi sáng cũng là một cách dễ dàng, thuận tiện.

8. Tạo một môi trường học tập trong lành

Có nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sẽ cải thiện hiệu suất học tập và làm việc cũng như chất lượng cuộc sống. Việc ngồi học đúng tư thế sẽ giúp việc học hiểu quả hơn, nhớ lâu hơn (và cũng tốt cho sức khỏe hơn). Học nhóm cũng là một cách hữu hiệu để bạn thu được kết quả học tập tốt.

Bí quyết tăng hiệu quả học tập mà học sinh, sinh viên nên biết - Ảnh 4.
 

9. Ưu tiên và tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng trước

Dành quá nhiều thời gian vào những việc ít quan trọng sẽ khiến một ngày của bạn ít vui vẻ hơn nhiều và thậm chí là phí thời gian. Hãy lập to-do list và xác định các ưu tiên bằng cách phân chia công việc thành các nhóm từ tối quan trọng đến không quan trọng, và làm việc theo bảng to-do list đó.

(Tri thức trẻ)