Hướng nghiệp

Cách để tìm ra ngành học phù hợp với bạn

Cập nhật ngày : 04/04/2017 - 1801

Chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra, việc quyết định lựa chọn ngành học, cũng như theo đuổi nghề mà mình yêu thích là vấn đề khiến nhiều thí sinh lo lắng.

Ông Yamada - Giám đốc CareerLink - Trang web Tuyển dụng trực tuyến uy tín hàng đầu Việt Nam cho biết tới thời điểm hiện tại còn rất nhiều em học sinh cũng như các bậc phụ huynh vẫn đang loay hoay với “bài toán” định hướng nghề nghiệp.

Ông Yamada khuyên bản thân mỗi thí sinh nên tự đặt ra câu hỏi cho chính mình nhằm chọn đúng ngành nghề trong tương lai, để “mỗi ngày đi học, đi làm là một ngày vui”?

1. Tại sao?

Điều cần quan tâm nhất khi lựa chọn ngành học là tự hỏi bản thân tại sao bạn lại muốn học ngành này. Trước ngưỡng cửa quan trọng đầu tiên của cuộc đời - chọn ngành, chọn nghề, các em học sinh cần cân nhắc kỹ các yếu tố như tính cách, năng lực, sở thích, quan điểm, nguyên tắc sống cá nhân, điều kiện sống, nhu cầu nhân lực trong tương lai và cơ hội việc làm… Các em có thể hỏi ý kiến, tư vấn của thầy cô, bố mẹ, các chuyên gia hướng nghiệp để có định hướng hợp lý nhất và điều chỉnh cho phù hợp. 

2. Bạn thực sự quan tâm đến điều gì?

Đừng chọn ngành nghề theo sự mong muốn, áp đặt của bố, mẹ và người thân, cũng đừng chạy theo mốt, trào lưu mà hãy cân nhắc xem sở thích, mong muốn của bản thân cùng với danh sách các ngành nghề có liên quan.

Nếu bạn đam mê viết lách, thích đọc truyện thì hãy chọn ngành Truyền thông, Báo chí. Nếu bạn muốn thỏa sức tự do sáng tạo, có năng khiếu thì bạn có thể chọn khối ngành Nghệ thuật như Mỹ thuật, Hội họa, Thiết kế đồ họa… Còn nếu bạn có hứng thú với những con số thì Tài chính ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời.

Điều cần thiết là bạn hãy tìm hiểu thật kỹ ngành nghề mình muốn theo đuổi, tố chất, kỹ năng nào cần phải có để đáp ứng tốt các yêu cầu của công việc. Từ đó, bạn có thể tìm ra con đường chính xác cho bản thân mình trong tương lai.

3. Bạn muốn học ở đâu?

Có rất nhiều sự lựa chọn dành cho các em học sinh ví dụ như học tại các thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh), học tại địa phương nơi mình sinh sống hoặc đi du học nước ngoài. Đây là cơ hội để bạn trải nghiệm cuộc sống đại học một cách độc đáo, đáng nhớ nhất. Hãy cân nhắc tình hình thực tế của bản thân, ngành học bạn yêu thích ở đâu đào tạo tốt nhất, thầy cô giỏi để từ đó có quyết định chính xác.

4. Tình hình thực tế của bạn như thế nào?

Sau khi bạn đã tìm thấy giấc mơ của mình, hãy dừng lại một phút và cân nhắc tình hình thực tế. Bạn và gia đình có đủ khả năng tài chính để chi trả học phí và các chi phí sinh hoạt? Không cân nhắc điều kiện của gia đình khiến nhiều em học sinh lúng túng trong việc chọn ngành học phù hợp. Ngoài ra, các em cũng nên quan tâm đến xu hướng phát triển của ngành, vị trí trong nền kinh tế và nhu cầu nhân lực sau khi bạn tốt nghiệp. Những vấn đề này có thể giúp bạn tránh mơ mộng mà quên đi thực tế vốn đầy khó khăn, thử thách.

5. Điều gì quan trọng đối với bạn?

Trong quá trình tìm hiểu các ngành/ trường khác nhau, bạn sẽ phải đưa ra các tiêu chuẩn để đánh giá trường đại học hoặc ngành học sao cho thật phù hợp. Vì vậy, hãy chọn một trong ba tính năng hàng đầu mà bạn đang tìm kiếm. Đó có thể là xếp hạng mức độ uy tín của trường học, cơ sở vật chất, kinh nghiệm thực tiễn và thực tập, mức học phí, dịch vụ hỗ trợ sinh viên... Tất cả những yếu tố này có thể đưa thêm gợi ý để bạn lựa chọn dễ dàng, thuận lợi hơn.

6. Triển vọng nghề nghiệp của bạn?

Hãy coi học tập là một sự đầu tư xứng đáng cho tương lai bởi nó quyết định sự nghiệp và mức lương của bạn.

Nguyên nhân chính là do việc chọn ngành nghề để học không phù hợp, chưa bắt kịp xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động. Vì vậy, các em học sinh cũng như bậc phụ huynh cần thường xuyên cập nhật thông tin trên báo chí, các website tuyển dụng để biết được ngành nào hiện đang được tuyển dụng nhiều nhất và dự báo xu hướng biến động về nhu cầu lao động của từng lĩnh vực trong thời gian tới.

7. Cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể thay đổi sự lựa chọn của mình

Các em học sinh đừng cho rằng học ngành nào ra thì sẽ làm được đúng công việc như mong muốn. Học hành là quá trình để bạn kiểm nghiệm lại năng lực, kiến thức của bản thân, chuẩn bị hành trang bước vào đời. Trong quá trình đó, bạn sẽ nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, mức độ phù hợp với ngành nghề cũng như thay đổi của định hướng ban đầu, biến đổi xu hướng lao động. Nếu bạn cảm thấy mình không có đủ năng lực để tiếp tục, hãy chọn cách dừng lại, bắt đầu lại chưa bao giờ là muộn màng.

Sự lựa chọn nằm trong tay bạn, hãy thật sáng suốt lựa chọn con đường đi cho riêng mình, bạn nhé.

PV (Tổng hợp)