Hướng nghiệp

CẢNH BÁO NHỮNG CẠM BẪY CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO CHO CÁC TÂN SINH VIÊN !

Cập nhật ngày : 25/10/2020 - 2316

Chỉ không lâu nữa là các bạn tân sinh viên sẽ rời xa gia đình thân quen của mình để lên các tỉnh, thành phố nhập học. Cuộc sống nơi phồn hoa đô thị rực rỡ hấp dẫn thú vị nhưng cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy rình rập.

Và quan trọng đây là thời điểm các em sẽ bắt đầu tự lập, tự lo và tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Sẽ không chỉ là chuyện học hành đơn thuần như hồi học cấp 3, mà còn là những va chạm, giao tiếp hàng ngày với đủ nhóm người, đủ thành phần, đủ hoàn cảnh khác nhau.

Để giúp các em tự tin hơn, sáng suốt hơn và tự bảo vệ mình trong khoảng thời gian đầu bỡ ngỡ mới bước vô cánh cổng trường học nơi xa lạ, Hoc24h.vn đã tổng hợp những cạm bẫy, chiêu trò lừa đảo thường xảy ra. Các bạn tân sinh viên nhớ cảnh giác đề phòng nhé !

1. Tìm việc làm thêm – Chọn nơi uy tín

Tâm lý chung của nhiều bạn sinh viên là muốn tìm công việc làm thêm để kiếm tiền tự lập cuộc sống hay phụ giúp bố mẹ giảm bớt gánh nặng kinh tế. Nắm được nhu cầu này nên nhiều trung tâm môi giới việc làm mọc lên nhan nhản ở các khu vực quanh cổng trường. Các em sẽ dễ dàng bắt gặp những tờ rơi tuyển dụng hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao, không cần kinh nghiệm, được đào tạo,..” dán tràn lan trên bến xe bus, cột điện, cổng trường,…

Tuy nhiên các em hãy lưu ý là khi hỏi các nơi tuyển dụng đó, dù họ nói hay nói ngọt đến đâu, nhưng chỉ cần phải đóng tiền thủ tục, trang phục, hay thế chân đặt cọc…thì nhất định không làm nhé. Vì sau khi đóng tiền, các em sẽ được hứa hẹn vài ngày sau được gọi đi làm mà chờ hoài không thấy, hay họ sẽ cho đến làm những chỗ không phù hợp để ép khéo các em không chịu được, phải rút lui nghỉ việc, chịu mất tiền.

Bên cạnh đó, có nhiều công ty bán hàng đa cấp bất chính cũng ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau: bán hàng, trung tâm tiếng anh,..với những lời mời hấp dẫn, vẽ ra bức tranh về sự giàu có, an nhàn, dễ dàng. Tại đây, lợi nhuận không thực sự xuất phát từ việc kinh doanh bán sản phẩm mà chủ yếu từ việc mời chào lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào đóng tiền và mình được hưởng phần trăm trên số tiền họ đóng.

Chỉ cần các em chú ý đến vài điểm sau: tham gia có phải đóng phí hay bất kỳ khoản tiền nào, có phải mua hàng hay được trả hàng lại không,… Nếu có, ngay lập tức tránh xa nhé.

Và dù có đi làm thêm thì các em cũng cần đề cao học tập là quan trọng nhất, cân bằng thời gian, sức khỏe giữa việc làm mà vẫn đảm bảo tốt việc học.

2. Tìm phòng trọ nhà ở – Tránh “cò” môi giới mất phí

Khi thấy những tờ rơi cho thuê phòng trọ sinh viên giá rẻ được dán khắp nơi, hay có nhiều xe ôm “cò” môi giới đề nghị dẫn đi xem nhà, các em cần hỏi rõ ràng trước có mất phí không, địa chỉ, giá cả các chi phí phòng nhà chi tiết cụ thể. Nhiều trường hợp các “cò” sẽ dẫn đi lòng vòng đến những nơi cho thuê trọ cũ ẩm mốc hay không phù hợp nhưng các em phải chịu mất phí 100-200 ngàn đồng. Và khi đi xem, tránh đi một mình. Tốt nhất là các em nhờ người thân quen đi cùng hay tìm giúp trước đó để an tâm, tránh mất tiền oan nhé.

chuan bi nhap hoc

3. Mua đồ từ thiện ủng hộ, hàng rẻ bán lại – Hết sức cẩn trọng

Các em sẽ hay gặp ngoài đường, bến xe,…những lời mời chào mua tăm tre nhân đạo, bút viết, đủ các sản phẩm…để quyên góp cho các trung tâm chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, người nghèo bệnh,… Họ đưa giấy tờ hình ảnh chứng nhận để chứng minh, rồi lấy danh sách ghi họ tên để các em ký tên vào, sau đó là phải trả tiền.

Tốt nhất là từ chối thẳng, tránh ngay, không quyên góp hay mua ủng hộ bất cứ thứ gì nếu không có đại diện của Nhà trường, Hội sinh viên, Cơ quan có thẩm quyền đi cùng.

Và tuyệt đối không mua các món hàng gạ gẫm ngoài đường: điện thoại, đồng hồ, máy ảnh,…vì mua xong về lại không sử dụng được hoặc nhanh hỏng.

4. Tài sản cá nhân – Cẩn tắc vô ưu

Điện thoại, ví tiền, máy tính…những thứ có giá trị thường bị móc trộm, cướp giật trên đường hay xe bus nên các em hạn chế nghe dùng điện thoại ngoài đường, tránh mang nhiều tiền mặt trong người, nên đeo túi balo chắc chắn phía trước và tay ôm giữ, để ý người bên cạnh.

5. Thôi miên lừa đảo – Đề phòng người lạ

Tình trạng này cũng không còn xa lạ nhưng rất tinh vi và khác nhau như: nhờ bấm hộ mở khóa điện thoại đã tẩm thuốc mê, giả vờ làm người thu tiền điện nước hay bảo hành cáp mạng, giao hàng,…để tiếp cận gần, có cơ hội thôi miên và lấy đồ của bạn.

sinh vien can chuan bi gi

 

6. Tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật – Cần tránh xa

Đi học xa nhà, các em được tự do bay nhảy, không còn những ràng buộc quản thúc chặt chẽ từ gia đình. Đó cũng chính là lúc các em dễ sa vào nhiều tệ nạn, cạm bẫy nếu không “làm chủ” được chính mình.

Hãy đưa ra cho mình những nguyên tắc sống rõ ràng, những mục tiêu kế hoạch cụ thể trong học tập để phấn đấu nỗ lực, tránh lãng phí thời gian vào những thú vui vô bổ: chơi game, lướt facebook hay xem phim quá nhiều,…

Lúc rảnh rỗi, hãy tích cực đọc những cuốn sách bổ ích về đạo đức nuôi dưỡng tâm hồn, kỹ năng sống, chuyên ngành học,… để hoàn thiện chính mình, hay tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội của Đoàn trường để rèn luyện bản thân, thêm kỹ năng mềm và trải nghiệm trưởng thành hơn ,…

Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều tổ chức hoạt động không hợp pháp vẫn luôn có các biện pháp lôi kéo, kích động, dụ dỗ sinh viên tham gia vào như các hoạt động biểu tình, phát tờ rơi với nội dung chống phá Nhà nước, Hội thánh đức chúa trời,..

Các em cần tránh xa những lời dụ dỗ như kể trên, và luôn nhớ rằng tuyệt đối không tham gia vào những hoạt động trái pháp luật.

Trên đây là những vấn đề chiêu trò, cạm bẫy nguy hại thường xảy ra với các em tân sinh viên trong thực tế.

Đừng quá lo lắng, vì chỉ cần các em không nhẹ dạ cả tin ngay khi tiếp xúc một tình huống nào thì sẽ không bị rơi vào những hoàn cảnh đó.

Hoc24h.vn chúc các em chuẩn bị trước cho mình một tinh thần lạc quan, một tư duy tích cực, một bản lĩnh vững vàng và một nghị lực mạnh mẽ để sẵn sàng đối diện, đón nhận tất cả mọi việc xảy ra với tâm thái chững chạc nhất nhé !