Hướng nghiệp

Học sinh hạn chế chọn những ngành nghề nào sẽ mất đi trong tương lai?

Cập nhật ngày : 29/10/2020 - 1067

Ở trong những thập niên đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẽ có rất nhiều công việc truyền thống biến mất hoặc bị thay thế bởi máy móc. Đáng chú ý, nhiều nghề nghiệp như lập trình máy tính, nhân viên tín dụng... cũng có tỉ lệ biến mất cao.

Có biến mất, có xuất hiện mới

Trong cuốn cẩm nang “Tư vấn hướng nghiệp” dành cho học sinh khối THPT vừa được nhóm giảng viên Trần Thành Nam, Phạm Mạnh Hà, Hoàng Gia Trang, Nguyễn Phương Hồng Ngọc - Trường Đại học Giáo dục ra mắt, các chuyên gia đã nhấn mạnh tới những ngành nghề đào tạo cũng như nhu cầu của thị trường lao động trong thời gian tới.

Theo đó, chúng ta đang ở trong những thập niên đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nghề nghiệp trong xã hội có rất nhiều chuyển biến so với trước đây. Sẽ có rất nhiều công việc truyền thống biến mất hoặc bị thay thế bởi máy móc. Song song với đó, cũng có rất nhiều công việc mới chưa từng có trong hình dung của chúng ta sẽ xuất hiện. 

Muốn thành công và hạnh phúc trong tương lai, mỗi người chúng ta cần có một nghề phù hợp, có năng lực tự học để di chuyển nghề nghiệp, năng lực tự tạo việc làm trong môi trường hoàn cảnh sống biến đổi.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, một số công việc truyền thống đang có nguy cơ biến mất. Đáng nói, những ngành nghề có nguy cơ chiếm tới trên 90% như nhân viên tín dụng, lễ tân, tư vấn tài chính, lái xe taxi.

Một số
Nhân viên tín dụng, lễ tân, tư vấn tài chính, lái xe taxi... là nghề nguy cơ "biến mất" cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Những ngành nghề như nấu đồ ăn nhanh, nhân viên pha chế rượu, tư vấn thông tin pháp lí... có tỉ lệ từ 58 đến 77%. Đáng chú ý, nghề lập trình máy tính cũng có tới 40% nguy cơ sẽ mất việc.

 

Tuy vậy, thế giới cũng không ít những ngành nghề sẽ phổ biến hơn như chuyên gia phân tích đám mây, người sáng tạo nội dung trên YouTube, kĩ sư IA, lập tình ứng dụng, kĩ thuật viên điện thoại di động, phân tích web, thiết kế thực tế ảo, nhà khoa học dữ liệu, chuyên gia trải nghiệm người dùng...

Cũng sẽ có những công việc chưa từng có trong hình dung của chúng ta, giúp con người thành danh và giàu có.

Tỉ lệ mất việc làm từ 10 đến 70%

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tự động hoá và số hoá cũng sẽ rõ ràng hơn trong môi trường làm việc. Máy móc, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin đang nhanh chóng thâm nhập nơi làm việc trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank), chưa rõ tự động hóa sẽ ảnh hưởng khi nào và như thế nào đến tính chất, số lượng việc làm của Việt Nam, nhưng ước tính tỉ lệ mất việc làm do ứng dụng công nghệ ở Việt Nam sẽ là từ 10 đến 70%.

Quá trình cơ giới hóa trong lĩnh vực tạo việc làm lớn nhất của Việt Nam, tức là sản xuất nông nghiệp, đang đem lại những kết quả phức tạp. Trong một số trường hợp, máy móc thay thế lao động làm thuê, trong khi lại tạo việc làm có số lượng, chất lượng cao hơn ở trường hợp khác.

Một dự báo gần nhất cũng cho rằng nhiều công việc sẽ bị thay thế bởi robot trong 10 năm nữa.

 

Từ đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Giáo dục cho rằng để có một tương lai tốt đẹp, học sinh cần phải hiểu mình, hiểu nghề và hiểu trường sẽ dự định học.

Một số nguyên tắc để chọn nghề mà học sinh cần chú ý như chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; không nên chọn nghề mà bản thân không có đủ điều kiện đáp ứng như về sở thích, tính cách, năng lực; không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu…